Hỏi: Một năm trước, vợ chồng tôi có mua một mảnh đất nhưng chưa sang tên sổ đỏ. Hiện tại, chúng tôi đã xây nhà, sinh sống ổn định nên muốn tìm chủ cũ để sang tên song họ lần lữa không chịu gặp.
Vậy xin hỏi luật sư, nếu chủ cũ “trở mặt” thì gia đình tôi có nguy cơ mất trắng không? Trong trường hợp này, tôi phải làm gì?
Chân thành cảm ơn!
(Hoàng Hưng, Thái Bình)
Mua nhà không sang tên sổ đỏ ngay ẩn chứa nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa) |
Trả lời:
Thông tin mà bạn cung cấp không nêu rõ các bên đã thỏa thuận như thế nào về nghĩa vụ của người mua, người bán trong việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì thế, chúng tôi không thể xác định lỗi cũng như mức độ lỗi của hai bên.
Để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và động cơ khiến chủ cũ không chịu gặp gỡ để làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Theo chúng tôi, động cơ khiến chủ cũ tránh mặt có thể là do giá nhà đất tăng cao hơn và họ muốn bạn trả thêm tiền hoặc họ che dấu về nguồn gốc đất. Chẳng hạn, mảnh đất mà bạn đã mua là đất lấn chiếm nhưng họ nói là đất do cha ông để lại; đất phần trăm hoặc đất nông nghiệp nhưng bên bán lại bảo là đất thổ cư… Những thông tin gian dối này sẽ bị lộ nếu hai bên làm thủ tục sang tên. Và tất nhiên, trong trường hợp này, họ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, họ đã tránh mặt bạn.
Nếu đã cố gắng thương lượng nhưng không đạt kết quả thì bạn nên yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vụ việc này. Trình tự các bước cụ thể như sau:
Bước thứ nhất (không bắt buộc), bạn hãy gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ việc đến UBND phường nơi mảnh đất tọa lạc. Cấp phường sẽ lập hội đồng hòa giải. Trường hợp hòa giải thành công thì đôi bên tự nguyện thi hành. Nếu việc hòa giải bất thành, khi đó biên bản hòa giải trở thành căn cứ để giải quyết về sau.
Bước thứ hai, bạn sẽ chuẩn bị một hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự tại TAND cấp huyện nơi có đất. Theo đó, hồ sơ khởi kiện gồm các loại giấy tờ sau đây:
– Đơn khởi kiện;
– Giấy tờ mua bán đất (bản chính);
– Hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực, công chứng) của nguyên đơn và bị đơn (trường hợp không có bản sao của bị đơn, bạn cần nêu rõ lý do trong đơn khởi kiện).
Những yếu tố như thỏa thuận của đôi bên về việc sang tên sổ đỏ, việc mua bán diễn ra như thế nào, có người làm chứng không, các bên đã hoàn thành nghĩa vụ hoặc đã thực hiện tới mức độ nào… sẽ quyết định việc bạn có mất trắng nhà đất nói trên hay không. Tòa án căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp để xét xử và quyết định trách nhiệm của cả hai bên cũng như hậu quả pháp lý của việc tranh chấp (bên bán phải sang tên cho bên mua, tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu, trách nhiệm bồi thường nếu có…).
Như vậy, nếu chứng cứ mà bạn cung cấp cho tòa có căn cứ, hợp pháp và đủ sức thuyết phục thì TAND sẽ chấp nhận đơn khởi kiện của bạn. Đồng thời, tòa sẽ buộc bên bán phải sang tên sổ đỏ cho bạn trong một khoảng thời gian cụ thể.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
(Giám đốc Công ty Luật Bảo An)
Theo Vnexpress